Truyền thuyết ly kỳ bên búng Bình Thiên


Nhà bè nuôi cá giữa lòng búng


Theo người dân bản địa, “búng” có nghĩa là hồ, đầm; “Bình” là khi nước dâng trào lên rất bình yên; “Thiên” là trời - hồ nước trời. Ngoài ra, “búng” còn được nói trại từ chữ “bưng”, nghĩa là vùng đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ. Tương truyền, búng Bình Thiên xưa kia là mảnh đất khô cằn, nứt nẻ khiến đời sống người dân vô cùng khó khăn. Tướng quân nhà Tây Sơn lưu quân tới đây lập lễ tế trời ban cho nguồn nước sinh hoạt. Nơi ông cắm thanh kiếm bỗng dâng trào dòng nước ngọt tạo thành búng nước.

Sau khi búng nước hình thành, phía tây bỗng nổi lên một cái cồn tựa hình trái châu, có hai sợi râu rồng, một sợi đi ngược lên sông Bình Di, sợi còn lại chạy theo hướng tây đến đồn Tắc Trúc - Bắc Đai. Trong búng chứa nhiều đất mùn nên lúc đầu người dân bắc cầu ván vững chãi qua cồn đều bị sụp, lún nhưng khi bắc cầu tre lắt lẻo thì qua được. Trước khi nổi cồn, giữa búng phát sinh lốc xoáy khiến xuồng chở dừa đi ngang bị nhấn chìm, mấy ngày sau dừa nổi lềnh bềnh trên sông Hậu.

Theo chu kỳ con nước, ban đêm búng tạo ra tiếng thổn thức của trẻ con. Do mê tín hoang đường, nhiều người tin tưởng lòng búng là chỗ ở của quái vật. Một đêm tĩnh mịch năm 1956 xảy ra trận cuồng phong dữ dội trên mặt búng khiến xuồng ghe cột dài theo mé sông bị cuốn lên bờ nằm chỏng gọng, mé đất bờ bị giựt sụp từ một đến hai mét thành vách thẳng đứng.

Búng Bình Thiên thông với sông Bình Di - một nhánh của sông Cửu Long nhưng búng không có cơ chế lưu thông nước ra ngoài. Sông Bình Di luôn đậm màu phù sa nhưng khi nước chảy đến miệng búng liền trở nên trong xanh lạ thường. Theo các nhà khoa học, hiện tượng kỳ bí này có thể do địa hình đặc biệt của búng Bình Thiên. Dưới nền búng là một lớp đất sét trắng dày. Diện tích búng nước rộng nhưng miệng búng nhỏ nên khó lưu thông ra ngoài. Thêm vào đó, có thể trong búng tồn tại một loại tảo có khả năng làm sạch nước và thảm thực vật lơ lửng có tác dụng lọc cặn phù sa khiến màu nước luôn trong xanh.

Thời điểm nào nước trong búng cũng trong xanh ngời ngợi phản chiếu ánh mặt trời tạo nên những mảng bạc sáng lấp lánh. Mùa nước nổi, hoa điên điển nở vàng óng bên những thảm lục bình tươi non mơn mởn, thấp thoáng một vài chiếc thuyền câu bé nhỏ tô điểm cho búng Bình Thiên thêm long lanh, huyền ảo.
Theo truyền thuyết địa phương, những đêm trăng sáng, hướng đông mặt búng nổi lên ba cây gỗ lớn phủ đầy rong rêu nằm vắt ngang bờ. Dân làng nghĩ rằng của trời cho nên phân công thanh niên trai tráng mang búa đến xẻ gỗ. Dốc sức cách mấy vẫn không tách được cây gỗ lớn, họ đành đợi trời sáng vớt gỗ lên. Nhưng đến nửa khuya, ba cây gỗ bỗng nhiên lặn mất. Sáng sớm, người dân vội tìm kiếm nhưng ba cây gỗ vẫn chìm đến ngày nay.

Ngư dân kể rằng, khi xưa thường thấy một con tôm vàng óng ả bằng cổ tay đang đeo trên trái dừa trong búng, họ dùng vợt xúc tôm, chưa kịp trút vào khoang xuồng, tôm đã kẹp rách lưới nhảy ra ngoài biến mất mãi mãi. Ngày nọ, có năm thanh niên trong làng rủ nhau đi kéo lưới trong búng - đoạn giáp với Đồng Kô-Ky (nay là xã Quốc Thái), dốc sức cách mấy vẫn không kéo mẻ lưới lên được. Họ liền nhờ ông Tư Chửng - người có uy tín trong làng, biệt danh thầy cột đến xem. Ông Tư xem xong quả quyết “lưới vướng phải Ông Dài” (cá sấu), ông chắp tay lẩm bẩm hồi lâu rồi bảo mọi người kéo lưới lên xem. Lưới kéo lên thì xuất hiện một con cá sấu hoa cà khổng lồ, bề ngang khoảng hai mét, chiều dài gần chục mét đang há miệng gầm gừ. Mọi người hốt hoảng la to thì cá sấu vọt thủng lưới trầm mình về phía Xoài Giang cho đến nay. Một truyền thuyết khác kể lại: “Thuở xưa, Xoài Giang là nơi đóng đô của các quan, bên đường trồng hai hàng xoài thẳng tắp. Do ảnh hưởng của gió từ mặt sông thổi mạnh vào bờ nên đường Xoài Giang lúc nào cũng sạch bóng”. Sau này, dân làng phát hiện nhiều tiền xưa, bạc nén còn sót lại trên con đường này.

Ký ức về một hồ nước trời đã in sâu vào tâm trí của các lão tiền bối địa phương, họ thường truyền kể cho nhau nghe bằng những giai thoại khi trà dư tửu hậu về vùng đất kỳ bí với nhiều hiện tượng lạ mà khoa học đang tìm cách giải mã.

 

DƯƠNG TRUNG OANH

0 comments: