Về An Giang thăm Búng Bình Thiên (Hồ Nước Trời)
Từ thị xã Châu Đốc (An Giang) qua cầu Cồn Tiên bắc qua sông Châu Đốc, theo tỉnh lộ 956 khoảng 15km đến thị trấn An Phú (huyện An Phú) đi thêm 10km nữa tới ngã ba, rẽ trái 2km là đến Búng Bình Thiên.
Búng Bình Thiên là tên một hồ nước ngọt mênh mông, trong xanh nằm cặp với sông Bình Di - một nhánh của sông Hậu, nằm giữa 3 xã Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội của huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Theo tương truyền, vào cuối thế kỷ 18, một viên tướng nhà Tây Sơn đã chọn Búng Bình Thiên làm căn cứ để tích trữ lương thực, luyện tập binh sĩ. Thời điểm đó, khu vực này khô cằn, viên tướng đó đã làm lễ tế cáo Trời - Đất xin ban nguồn nước cho binh sĩ. Sau khi khấn xong, Ông đã rút kiếm đâm xuống lòng đất và một dòng nước ngọt trong vắt trào dâng đọng lại thành hồ như ngày nay. Đây cũng là sự lý giải cho cái tên Búng Bình Thiên: Búng nghĩa là hồ, đầm; Bình nghĩa là dòng nước sau khi dâng trào khá bình yên, phẳng lặng; Thiên nghĩa là Trời. Búng Bình Thiên còn có tên gọi khác là Hồ Nước Trời.
Với độ sâu trung bình khoảng 4m, diện tích mặt nước vào mùa nước cạn là khoảng 300ha, vào mùa nước nổi là khoảng 900ha, đặc biệt, có ưu điểm không bao giờ cạn, Búng Bình Thiên được coi là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Tây. Hiện nay, hồ cung cấp một lượng nước ngọt rất lớn quanh năm cho cư dân cả vùng.
Đến Búng Bình Thiên, nhất là vào mùa nước nổi (bắt đầu từ tháng 7 đến đầu tháng 10 âm lịch), khi bông điên điển trổ vàng mặt nước, du khách sẽ có dịp du thuyền trên mặt hồ ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên hữu tình với nhiều nét chấm phá sinh động, tham dự một số hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng người Chăm tại đây như: biểu diễn đua xuồng, biểu diễn trang phục truyền thống, thi bơi... và một số lễ hội tôn vinh bản sắc văn hóa Chăm: lễ Tết Roya Phik Trok; lễ lớn Ramadan…Đặc biệt, vào những đêm trăng sáng, từng đôi trai gái chèo thuyền ra giữa Búng để hát đối đáp những bản tình ca Chămpa.
Trong số bốn dân tộc anh em sinh sống quanh Búng Bình Thiên, cộng đồng người Chăm có nhiều nét riêng và độc đáo nhất bởi họ vẫn giữ được nếp sống văn hóa của riêng mình. Đi thăm làng Chăm được hình thành cách đây hơn 100 năm với những ngôi nhà sàn nằm san sát nhau và một thánh đường Mas Jid Khoy Ri Yah rộng lớn, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ già đi lễ, cô gái Chăm trong trang phục truyền thống, trẻ thơ vui đùa trên đường làng…Chuyến đi của du khách sẽ càng tuyệt vời hơn nếu du khách có thể thực hiện tour homestay tại đây để tìm hiểu phong cách sống của người Chăm theo đạo Hồi, thưởng thức một số món ăn dân dã: lẩu mắm nấu với cá rô đồng chấm với bông súng, bông điên điển, chả cá linh hay cá linh non kho với trái me non...
Hiện nay, huyện An Phú đã quy hoạch, đầu tư xây dựng Búng Bình Thiên thành một khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí (diện tích khoảng 139ha), nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan và nằm trong tuyến du lịch thuộc khu vực kinh tế cửa khẩu quốc gia Khánh Bình của huyện An Phú.
Theo bà Phan Thị Thúy Truyển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch - Đầu tư tỉnh An Giang, Búng Bình Thiên có nhiều thú tiêu khiển mùa nước nổi độc đáo với những món ăn sông nước cùng với nếp sống sinh hoạt văn hóa phong phú của 4 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Trong tương lai gần, sau khi khu du lịch Búng Bình Thiên chính thức đi vào hoạt động, sẽ tạo thêm một diện mạo mới cho du lịch An Giang.
(Theo: quehuongonline.vn)
0 comments: