Búng Bình Thiên viên ngọc xanh quý giá

Dù có đi khắp vùng châu thổ rộng lớn của đồng bằng sông Cửu Long,  nếm trải vị ngọt lành của bạt ngàn cây trái miệt vườn, tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của vùng trũng Đồng Tháp Mười mênh mông hay đến với những cánh rừng ngập nước, những vùng dự trữ sinh quyển với vô số loài động, thực vật kỳ thú, thì cũng thật tiếc nếu chưa một lần “chạm mặt” búng Bình Thiên ở An Phú!
Cảm nhận đầu tiên mà búng Bình Thiên mang đến cho chúng ta là cảm giác êm đềm, dịu mát giữa một không gian xanh trải rộng đến hút tầm mắt. Đó là một vùng trời nước bao la, được tạo nên bằng bàn tay kỳ diệu của tạo hóa.  Mùa khô, mặt nước đã rộng đến 300 héc-ta và hiện tại, vào năm nước lớn như năm nay, diện tích mặt nước lên đến khoảng 900 héc-ta. Chung quanh hồ nước khổng lồ đó là những rặng cây xanh soi bóng xuống dòng nước mát, thi thoảng mới có những nếp nhà ẩn dưới những khu vườn nhỏ ven bờ… Không gian yên ả miền quê nửa như gần gũi, nửa như xa vắng, khiến thời gian dường như trôi đi chậm hơn, để du khách dạo chơi bằng thuyền trên mặt nước tận hưởng trọn vẹn những thời khắc bềnh bồng, phiêu lãng, trước một khung cảnh thiên nhiên quá đổi thơ mộng, quá đổi thanh bình! Một điều kỳ diệu nữa là quanh năm nguồn nước ngọt trong búng lúc nào cũng trong xanh, một màu xanh trong lành, tinh khiết thể hiện sức sống vô tận, bốn mùa phẳng lặng không hề gợn sóng và ẩn chứa vô số loài cá, tôm để nuôi sống cư dân. Âu đó cũng là sự ban phát đầy ưu ái nhưng cũng rất công bằng của tạo hóa, như để bù đắp cho những cư dân hiền hòa, mộc mạc sinh sống quanh búng được dễ chịu hơn trước khi mọi người khám phá ra sức quyến rũ của nó.


 1
 Du khách thi tài bắt cá.

Và mùa này, vẻ đẹp của búng Bình Thiên còn được tô điểm thêm bởi những vạt điên điển trổ bông vàng rực mặt nước, cùng với nguồn thủy sản cá tôm sinh sôi nẩy nở đầy đàn…! Đó cũng là lý do khiến những công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành chọn lựa đúng thời điểm để đưa khách du lịch ở các vùng khác về tham quan mùa nước nổi ở An Giang .
Đi du lịch theo tour khám phá mùa nước nổi do Công ty Cổ phần Du lịch lữ hành An Giang tổ chức tại búng Bình Thiên, đoàn khách tham quan đến từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã tỏ ra vô cùng thích thú trước một khung cảnh lạ lẫm mà từ trước đến nay họ chỉ nghe nói đến nhưng chưa từng được “mục sở thị”! Họ háo hức chen nhau xuống thuyền. Ngay lập tức, những chiếc đò máy- phương tiện đưa rước du khách của đồng bào dân tộc Chăm trong vùng đã đầy ắp người. Sau khi đã phân phát áo phao và bố trí chỗ ngồi vững chắc trên thuyền, chiếc máy “đuôi tôm” trang bị trên thuyền được người lái nổ máy, tiếng động cơ xình xịch rẽ nước lẫn tiếng nói cười rôm rả của khách làm xáo động không gian yên bình của bến sông. Con đò nhanh chóng tách bến để đưa du khách đi ngoạn cảnh dọc theo những làng mạc ven sông, thi thoảng lại dừng lại để thưởng thức phong cảnh đẹp, chụp những bức ảnh lưu niệm đáng nhớ, hoặc nhổ bông súng đồng, hái bông điên điển… Họ vừa vui chơi, vừa tham gia thi tài dưới sự điều hành khéo léo của các hướng dẫn viên du lịch. Theo đó, xem ai hái được nhiều bông điên điển nhất, hoặc gỡ được nhiều cá từ những mẻ lưới được giăng ven bờ. Buổi trưa, cả nhóm rời thuyền, lên bờ nghỉ ngơi, thưởng thức những món ăn dân dã được chế biến từ nguồn nguyên liệu tại chỗ của mùa nước nổi. Đó là những bát canh chua nóng bốc khói nghi ngút được nấu với cá lóc đồng, bông súng, bông điển điển, hay mẻ cá rô kho tộ vừa béo ngậy vừa thơm lừng… Bụng đói, lại được thưởng thức những món ngon đồng nội, khiến cho nồi cơm nóng vơi cạn lúc nào không hay…!
Nhiều năm qua, khu du lịch búng Bình Thiên được huyện An Phú giới thiệu đến du khách, khách tham quan thông qua các lễ hội truyền thống, và một dự án du lịch sinh thái cũng đã được khởi động. Tuy nhiên, do khoảng cách về mặt địa lý nên nhiều doanh nghiệp vẫn ngần ngại đầu tư vào đây. Đây là một điều đáng tiếc, nhưng nếu phân tích kỹ, sẽ thấy đó chính là một cơ hội lớn cho những nhà đầu tư có tầm nhìn. Bởi búng Bình Thiên vẫn còn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, tĩnh lặng vốn có, điều rất cần để quy hoạch một khu du lịch sinh thái đúng nghĩa. Trong đó, vốn tài sản quý giá nhất là mặt hồ suốt bốn mùa lúc nào cũng phẳng lặng trong xanh như một chiếc gương soi. Đó chính là viên ngọc quý giữa châu thổ đồng bằng sông Cửu Long mênh mông, đang chờ đợi những bàn tay, khối óc tài hoa để biến thành một khu du lịch mang dáng vẻ của thiên đường…!
THANH NGUYÊN
Nguồn tin: Theo Báo An Giang

0 comments:

Video giới thiệu Búng Bình Thiên - An Giang


Mời các bạn xem.
http://www.youtube.com/watch?v=eU6CVy7mWOo

0 comments:

Món ăn ở Búng Bình Thiên

Đậm chất Nam Bộ

Ấn tượng mạnh nhất đối với du khách là một sân khấu hoành tráng đầy chất dân gian mọc ngay trên mặt hồ Búng Bình Thiên, một thắng cảnh của huyện An Phú. Sân khấu ở đây không có đèn hoa rực rỡ, không có những tấm màn the làm nền và giới hạn không gian mà chỉ là một khoảng đồng nước trống quang, rộng rãi, xung quanh là những hàng cây điên điển trổ đầy bông vàng, thấp thoáng trên mặt nước là những đám lục bình trôi.



Ca sĩ di chuyển trên những chiếc xuồng ba lá, hát những bài ca ngợi quê hương, tình đất, tình người của người dân An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung như: Quê em mùa nước nổi, Mẹ ru con sau giờ thả lưới giăng câu, những bài hát về đời sống và tập tính của các loại cá hiện diện trong mùa nước tràn đồng, giúp người xem hiểu thêm về sự giàu có, phóng khoáng của một vùng đất miền Nam Tổ quốc.



Ngoài những trò chơi thể thao thường thấy như đua thuyền, bơi lội, liên hoan còn mang đến cho người xem những trò chơi “mùa nước nổi” như: chống xuồng đua, nơm cá, bắt ếch...

Trò chơi nơm cá lóc rất thú vị cho cả người chơi cũng như người xem. 18 con cá lóc được thả xuống ruộng trong khu đất khoảng 400 m2, lần lượt cho mỗi lần 3 người vào nơm bắt cá. Sau 10 phút, ai có số lượng cá nơm được nhiều nhất sẽ thắng.


Thưởng thức đặc sản




Gỏi bông điên điển và tép đồng

“Búng Bình Thiên một xóm đẹp giàu, An Phú biên giới một màu lúa xanh. Anh em họp mặt nơi này, trao nhau kỷ niệm... giao lưu tâm tình...”. Giọng ngâm thơ mùi mẫn và trữ tình của nghệ sĩ Văn Kỷ trong bài Búng Bình Thiên mở màn cho đêm đờn ca tài tử trên thuyền. Du khách vừa nghe những bài ca cổ giới thiệu tiềm năng của quê hương do CLB đờn ca tài tử huyện thể hiện vừa được thưởng thức những món ăn đặc sản của mùa nước nổi.





Các món ăn đều được “hái và bắt” từ vùng Búng Bình Thiên như: lẩu mắm với lươn, ốc, tép; chuột nướng, chao; tép rong xào bông điên điển và bông súng,... Đặc biệt, có 2 món không thể thiếu của mùa nước nổi là lẩu cá linh với me non và cá linh chiên bột.

0 comments:

Mùa nước nổi đến Búng Bình Thiên chiêm ngưỡng cảnh sông nước hữu tình…

Tháng tám hàng năm, dòng sông Mê-kông cuồn cuộn đổ từ Campuchia vào Việt Nam tạo thành những cơn lũ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu.

Tận dụng những lợi thế thiên nhiên ban tặng, hàng năm vào dịp này, huyện đã tổ chức Liên hoan du lịch mùa nước nổi, với điểm đến là búng Bình Thiên, nhằm giới thiệu đến bạn bè phương xa những sản phẩm du lịch và chiêm ngưỡng cảnh sông nước hữu tình; thưởng thức những món ăn dân dã tuyệt vời, nghe những bài ca vọng cổ mùi mẫn đến ngây ngất cõi lòng…




Búng Bình Thiên gạn đục khơi trong:

Từ thị xã Châu Đốc, qua cầu Cồn Tiên, men theo tỉnh lộ 956 hơn 30km, hướng về cửa khẩu Khánh Bình, chúng tôi đến búng Bình Thiên, một địa danh của huyện An Phú. Đây là một hồ nước ngọt tự nhiên mênh mông xanh ngắt trong khi nước của những kinh-rạch-sông-hồ quanh vùng búng Bình Thiên vẫn đục. Hồ nằm cặp sông Bình Di-một nhánh của sông Hậu nằm sát huyện Preythum của tỉnh Kandal, Campuchia-có khả năng thu hút nhiều khách du lịch. Búng nằm giữa 3 xã Khánh Bình, Khánh An, Nhơn Hội của huyện An Phú. Mùa khô hạn, diện tích búng còn khoảng 300 ha do nước hạ xuống. Mùa nước nổi, nước dâng lên làm mặt búng rộng khoảng 900 ha. Có thể nói rằng, đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Tây. Búng cung cấp lượng nước ngọt rất lớn quanh năm cho cư dân cả vùng và cũng là nơi có nhiều cá đồng bậc nhất vùng biên giới.

Cảnh quan búng thật khoáng đãng, gió lộng tứ bề. Khi mùa nước nổi đến, nhà sàn của một bộ phận cư dân sống ven hồ núp dưới những rặng cây xanh nhưng xung quanh ngập nước, tựa như bức tranh thủy mặc, với cỏ - cây - hoa - lá được thêu trên nền trắng xanh thơ mộng của bức tranh tự nhiên vậy!


Làng Chăm đón khách “Homestay” :

Còn gì thú vị hơn khi được ngao du quanh búng Bình Thiên bằng thuyền, thưởng thức các món ăn dân dã như: Chuột nướng, lẩu mắm nấu cá rô đồng chấm với bông súng, bông điên điển; chả cá linh hay cá linh non kho với trái me non...



Ông Nguyễn Văn Khên, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú nói: Bao năm qua, người dân An Phú mỗi năm nhìn lũ tràn đồng, chỉ biết chống xuồng đi kiếm con cá, con tôm, hái ít bông điên điển, người giỏi giang hơn thì đi làm ăn xa. Nhưng khoảng 3 năm gần đây, vào mùa nước nổi, người dân nơi đây, nhất là đồng bào Chăm đã biết làm du lịch.



Còn nhớ, tại Liên hoan du lịch lịch mùa nước nổi đầu tiên, chúng tôi được sắp xếp nghỉ đêm tại nhà các gia đình người Chăm, mà ở quê Bác Tôn (xã Mỹ Hòa Hưng), loại hình du lịch này được gọi là Homestay. Lần ấy, chúng tôi đã được thông tin trước về tập tục của người Chăm Islam ở đây: Chủ nhà luôn dành cho khách ngủ ở gian nhà trước, phòng chỉ dành cho con gái hoặc vợ chồng chủ nhà; ngủ nhà sàn nên không giường. Tối đó, bà Sa Phi Thah tâm sự: "Phong tục người Chăm trước kia, con gái từ 15 tuổi là phải "cấm cung", không được ra khỏi nhà, thậm chí có khách đến nhà là trốn vào phòng không được cho ai thấy mặt. Vì thế, các cháu không được đi học, đi làm ngoài chuyện bếp núc và công việc gia đình. Bây giờ, ở An Phú tục "cấm cung" hầu như không còn, con gái Chăm cũng đi học, đi làm như con gái người Kinh. Không biết chuyện làm du lịch của huyện có giúp cho gia đình mình gì không?". Chúng tôi giải thích để người dân ở An Phú hiểu thêm rằng, huyện muốn cùng người Chăm làm du lịch để mỗi nhà có thể khấm khá lên.

Sáng ngày cuối cùng chúng tôi ở An Phú, một chị đại diện huyện đến nhà trao cho bà Sa Phi Thah số tiền dịch vụ nghỉ đêm của du khách, bà đã biết thế nào là hợp tác làm du lịch, song chắc còn nhiều chuyện bà con ở đây cần được huyện hướng dẫn để dịch vụ du lịch được chuyên nghiệp hơn. Ở vài nhà người Chăm, các cô gái nhiệt tình đón khách, đưa khăn choàng, trang phục Chăm cho khách mặc chụp hình kỷ niệm. Hai cô gái Chăm duyên dáng, Sa Vi Dah và Phâu Si Dah, làm hướng dẫn viên du lịch, theo chúng tôi suốt tour mùa nước nổi. Chúng tôi biết các cô không quen với sự cực nhọc của một hướng dẫn viên du lịch, lại mặc trang phục truyền thống Chăm không dễ dàng xuống ghe lên bờ, nhưng niềm khát khao được bằng chị, bằng em với người Kinh đã khiến các cô quên mệt, gương mặt luôn rạng rỡ nụ cười.


Đánh thức tiềm năng Búng Bình Thiên…



Ông Lâm Minh Giang, Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết: Búng Bình Thiên đã được xác định là một địa điểm thuộc quy hoạch chung khu du lịch phục vụ nhu cầu bảo tồn văn hóa nghỉ ngơi, giải trí cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nằm trong tuyến du lịch thuộc khu vực kinh tế và cửa khẩu Khánh Bình của huyện An Phú. Quanh búng Bình Thiên có khoảng 400 hộ dân chuyên sống bằng nghề nông. Phía bắc khu này giáp khu dân cư sinh thái phục vụ du lịch; phía nam giáp hồ búng Bình Thiên lớn, tổng diện tích quy hoạch 139 ha (tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng). Dự kiến thu hút khoảng 20.000 du khách/ năm. Để khai thác lợi thế du lịch của búng Bình Thiên, huyện An Phú đang tích cực mời gọi đầu tư theo hình thức BOT, BT hoặc các hình thức khác thông qua Ngân hàng Đầu tư phát triển, các tổ chức tín dụng.

Với môi trường đầu tư được cải thiện thông thoáng, chính sách đầu tư đặc biệt ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh An Giang, An Phú cam kết sẽ tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tham gia đầu tư, với quyết tâm biến búng Bình Thiên trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh và ĐBSCL…

(Báo An Giang)

0 comments:

Về An Giang thăm Búng Bình Thiên (Hồ Nước Trời)

Từ thị xã Châu Đốc (An Giang) qua cầu Cồn Tiên bắc qua sông Châu Đốc, theo tỉnh lộ 956 khoảng 15km đến thị trấn An Phú (huyện An Phú) đi thêm 10km nữa tới ngã ba, rẽ trái 2km là đến Búng Bình Thiên.
23.jpg
Búng Bình Thiên là tên một hồ nước ngọt mênh mông, trong xanh nằm cặp với sông Bình Di - một nhánh của sông Hậu, nằm giữa 3 xã Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội của huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Theo tương truyền, vào cuối thế kỷ 18, một viên tướng nhà Tây Sơn đã chọn Búng Bình Thiên làm căn cứ để tích trữ lương thực, luyện tập binh sĩ. Thời điểm đó, khu vực này khô cằn, viên tướng đó đã làm lễ tế cáo Trời - Đất xin ban nguồn nước cho binh sĩ. Sau khi khấn xong, Ông đã rút kiếm đâm xuống lòng đất và một dòng nước ngọt trong vắt trào dâng đọng lại thành hồ như ngày nay. Đây cũng là sự lý giải cho cái tên Búng Bình Thiên: Búng nghĩa là hồ, đầm; Bình nghĩa là dòng nước sau khi dâng trào khá bình yên, phẳng lặng; Thiên nghĩa là Trời. Búng Bình Thiên còn có tên gọi khác là Hồ Nước Trời.
Với độ sâu trung bình khoảng 4m, diện tích mặt nước vào mùa nước cạn là khoảng 300ha, vào mùa nước nổi là khoảng 900ha, đặc biệt, có ưu điểm không bao giờ cạn, Búng Bình Thiên được coi là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Tây. Hiện nay, hồ cung cấp một lượng nước ngọt rất lớn quanh năm cho cư dân cả vùng.
Đến Búng Bình Thiên, nhất là vào mùa nước nổi (bắt đầu từ tháng 7 đến đầu tháng 10 âm lịch), khi bông điên điển trổ vàng mặt nước, du khách sẽ có dịp du thuyền trên mặt hồ ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên hữu tình với nhiều nét chấm phá sinh động, tham dự một số hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng người Chăm tại đây như: biểu diễn đua xuồng, biểu diễn trang phục truyền thống, thi bơi... và một số lễ hội tôn vinh bản sắc văn hóa Chăm: lễ Tết Roya Phik Trok; lễ lớn Ramadan…Đặc biệt, vào những đêm trăng sáng, từng đôi trai gái chèo thuyền ra giữa Búng để hát đối đáp những bản tình ca Chămpa.
Trong số bốn dân tộc anh em sinh sống quanh Búng Bình Thiên, cộng đồng người Chăm có nhiều nét riêng và độc đáo nhất bởi họ vẫn giữ được nếp sống văn hóa của riêng mình. Đi thăm làng Chăm được hình thành cách đây hơn 100 năm với những ngôi nhà sàn nằm san sát nhau và một thánh đường Mas Jid Khoy Ri Yah rộng lớn, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ già đi lễ, cô gái Chăm trong trang phục truyền thống, trẻ thơ vui đùa trên đường làng…Chuyến đi của du khách sẽ càng tuyệt vời hơn nếu du khách có thể thực hiện tour homestay tại đây để tìm hiểu phong cách sống của người Chăm theo đạo Hồi, thưởng thức một số món ăn dân dã: lẩu mắm nấu với cá rô đồng chấm với bông súng, bông điên điển, chả cá linh hay cá linh non kho với trái me non...
Hiện nay, huyện An Phú đã quy hoạch, đầu tư xây dựng Búng Bình Thiên thành một khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí (diện tích khoảng 139ha), nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan và nằm trong tuyến du lịch thuộc khu vực kinh tế cửa khẩu quốc gia Khánh Bình của huyện An Phú.
Theo bà Phan Thị Thúy Truyển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch - Đầu tư tỉnh An Giang, Búng Bình Thiên có nhiều thú tiêu khiển mùa nước nổi độc đáo với những món ăn sông nước cùng với nếp sống sinh hoạt văn hóa phong phú của 4 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Trong tương lai gần, sau khi khu du lịch Búng Bình Thiên chính thức đi vào hoạt động, sẽ tạo thêm một diện mạo mới cho du lịch An Giang.
(Theo: quehuongonline.vn)

0 comments:

Búng lớn và búng nhỏ

Búng Bình Thiên là hồ nước tự nhiên, cách giồng Cây Da 2 km, thuộc xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Búng Bình Thiên gồm có hai hồ: Búng Bình Thiên Lớn và Búng Bình Thiên Nhỏ, nằm giữa sông Bình Di và sông Hậu. Chung quanh hai hồ là các gò đất cao từ 3 - 4 m, có các cửa thông với sông. Nguồn nước cung cấp cho hai hồ là sông Hậu và sông Bình Di. Đây là nguồn khai thác thủy sản giàu tiềm năng và là điểm du lịch nổi tiếng của huyện An Phú.

Vào mùa khô, Búng Bình Thiên Lớn có diện tích mặt nước là 193 ha, độ sâu trung bình khoảng 6 m; Búng Bình Thiên Nhỏ lần lượt là 10 ha và 5 m. Vào mùa mưa, khi lũ lên cao, nước lũ tràn bờ, chảy vào lấp đầy hồ, làm chìm ngập hai hồ trong biển nước mênh mông. Mặt hồ phủ kín sen và các loài hoa dại. Nước trong xanh khác hẳn màu ửng vàng phù sa của các dòng sông ở đồng bằng Sônng Cửu Long. Điều lạ lùng chưa được khoa học giải thích là vào mùa lũ, nước sông Hậu đục ngầu phù sa nhưng hễ tràn vào hồ thì …lập tức trong vắt, đến nỗi chúng ta nhìn thấy trong - đục rất rõ giữa hai làn nước.

Khu rừng nguyên sinh bao quanh hồ có diện tích khoảng 800 ha, có rất nhiều loại thực vật sinh sống.

Búng Bình Thiên đẹp nhất vào mùa nước lũ. Ngồi trên du thuyền dạo quanh búng Bình Thiên, nghe ca cổ và thưởng thức đặc sản mùa lũ như cá linh nấu canh chua bông điên điển, lẩu mắm......, du khách sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị. Mùa lũ ở Búng Bình Thiên còn gắn liền với nhiều hoạt động văn hoá độc đáo của người Chăm như Roda (lễ mừng Quốc khánh), tháng chay Ramadan. Tháng 9 hàng năm, huyện An Phú tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập huyện. Búng Bình Thiên trở thành sân khấu nổi cho liên hoan văn nghệ mang đậm bản sắc địa phương.

Khai thác thế mạnh này, huyện An Phú đang xúc tiến “Đề án xây dựng khu du lịch búng Bình Thiên” có quy mô hơn 139 ha với vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng bao gồm 14 hạng mục thiết yếu được xây dựng dọc theo búng Bình Thiên. Trước mắt huyện đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và kêu gọi đầu tư. Dự tính đến năm 2010, sản phẩm du lịch mùa nước nổi sẽ hoàn thiện và kết nối với các địa điểm du lịch khác của tỉnh An Giang.

0 comments:

Đi chơi Búng Bình Thiên mùa nước nổi


Búng Bình Thiên nằm trên cồn Tiên, thuộc địa phận huyện An Phú (An Giang). Có hai ngã đến đây: một, đi từ thị trấn Long Bình theo con đường đất dài khoảng 10km, vòng vèo qua những xóm làng có nơi ngập tràn nước trong mùa nước nổi, có nơi nông dân đang khẩn trương thu hoạch bắp lai; ngã khác, theo Tỉnh lộ 956, rời thị trấn Quốc Thái vào chưa tới 3km là gặp Búng Bình Thiên...
Búng Bình Thiên là một hồ nước thiên nhiên có từ mấy trăm năm nay nằm trên khu vực gần biên giới thuộc 3 xã: Nhơn Hội, Quốc Thái và Khánh Bình. Tên gọi Búng Bình Thiên có nghĩa “hồ nước trời”, nhằm diễn tả sự to lớn như trời đất của nó. Vào mùa khô, búng rộng trên 200ha, còn mùa nước nổi thì mặt hồ mở rộng thêm 100ha nữa, với độ sâu khoảng 4m. Người dân địa phương thường gọi đây là Búng Lớn, một hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây, dấu tích còn lại của thời xa xưa, khi nơi biên viễn này còn là hoang địa với ao đầm giăng khắp. Theo quyển “Việt Nam đất nước giàu đẹp”, thì “đây là biển hồ của tỉnh (An Giang), là một thắng cảnh thiên nhiên, quanh năm nước biếc, lộng bóng mây trời”. Điểm đặc biệt của Búng Bình Thiên là bất cứ lúc nào, nước trong búng cũng trong xanh, trong khi các kinh rạch xung quanh nước đục ngầu phù sa. Đặc điểm nữa là nước trong búng chỉ dâng cao rồi hạ xuống, mà không chảy ra chảy vào theo con nước lớn ròng của các dòng sông miệt Cửu Long này.

Người dân nơi đây kể, theo truyền thuyết: một mùa khô hạn vào cuối thế kỷ 18, Nguyễn Ánh (có thuyết bảo một viên tướng nhà Tây Sơn) dẫn quân lính đến đây. Không có nước ngọt để uống, Nguyễn Ánh bèn dâng lễ vật cúng tế trời đất. Khi ông rút gươm đâm xuống đất, một dòng nước trào lên, đọng thành hồ nước trong vắt. Hồ ngày một phát triển rộng lớn như ngày nay.

Mùa nước nổi, đến Búng Bình Thiên sẽ thấy một quan cảnh đẹp êm ả và thanh bình đến xao xuyến con tim. Dài theo con đường bên bờ búng, thấp thoáng sau hàng cây xanh là những bè cá nằm rải rác trên búng, tạo cảnh quan thơ mộng. Búng có nhiều thủy sản thiên nhiên, được người dân khai thác bằng nhiều phương tiện. Cá tôm mùa này nhiều vô kể. Những chiếc ghe có kiểu dáng đặc trưng của đồng bào dân tộc Chăm ở đây rải dài trên mặt búng với nhiều phương tiện đánh bắt cá tôm hoạt động suốt ngày đêm. Ghé thăm một căn nhà ven bờ búng, ta sẽ bắt gặp một số loài chim quý hiếm, như cò cổ rắn mà ngư dân bắt được nuôi. Và, ta sẽ được chủ nhân đãi một bữa cơm no căng bụng dạ, dù chỉ với mắm kho cá linh ăn với bông điên điển cùng một dĩa lươn xào sả ớt hoặc nướng, nhâm nhi ly rượu đế, say tình say nghĩa, say cảnh thiên nhiên tươi đẹp…

Vòng theo con đường quanh búng là những tàn cây xanh rậm mát. Đây là con đường đẹp đi qua những xóm Chăm, mà người Kinh gọi là “xóm Chà” hoặc “Chà Châu Giang”. An Phú có 5 xã có đông đồng bào Chăm cư ngụ, gồm: Quốc Thái, Nhơn Hội, Khánh Bình, Đa Phước, Vĩnh Trường.

Đến đây, ta như lạc bước vào xứ sở ngàn lẻ một đêm với những cô gái, chàng trai Chăm với y phục đặc trưng của dân tộc mình: Các cô gái Chăm tha thướt trong chiếc “ao tunic” (áo dài), duyên dáng với chiếc “khanh maom” (Khăn thêu) trùm kín mái tóc. Các chàng trai Chăm trang trọng trong trang phục “ao karung” (áo dài nam), quấn “xà rông”, đội “mượt” (nón). Nằm bên con đường chạy dài theo bờ Búng Bình Thiên là những căn nhà sàn với lối kiến trúc đặc trưng của đồng bào Chăm Hồi giáo. Nhưng thu hút chúng tôi là ngôi thánh đường Mas Jid Khoy Ri Yah với mái vòm hình củ tỏi được thiết kế bằng tôn, sáng trưng trong màu nắng. Đây là nơi thường diễn ra lễ hội Royal Phitrok sau tháng chay Ramadam. Có thể nói lễ hội này là ngày tết của đồng bào Chăm, nên mọi người cùng nhau vui chơi lành mạnh. Lành mạnh vì với nhiều món ăn đặc trưng của họ, nhưng người Chăm nơi đây không hề nếm một giọt rượu. Cho nên không khí rộn rịp, đông đảo người tham dự, nhưng lễ hội Royal Phitrok vẫn đảm bảo được an toàn, an ninh.

Chính vì vậy mà đến Búng Bình Thiên ta vừa thỏa mãn du lịch vừa thú vị khi khám phá ít nhiều đời sống của đồng bào Chăm An Giang.
TTAG

0 comments:

Đến Búng Bình Thiên chiêm ngưỡng cảnh sông nước hữu tình

Xem hình
Ngao du trên Búng Bình Thiên.
An Giang có nhiều mô hình du lịch độc đáo như du lịch cộng đồng-nghỉ qua đêm; du lịch làng nghề; du lịch leo núi; tham quan-mua sắm nơi biên giới. Hiện nay, có một điểm đến thật hấp dẫn và khá mới lạ cho những ai thích chiêm ngưỡng cảnh sông nước hữu tình; thưởng thức những món ăn dân dã tuyệt vời; nghe những bài ca vọng cổ mùi mẫn đến ngây ngất cõi lòng, đó là: Búng Bình Thiên, một điểm đến hấp dẫn cho du khách.
“Đệ nhất hồ trời”

Từ thị xã Châu Đốc (An Giang), du khách qua cầu Cồn Tiên trên sông Châu Đốc, men theo tỉnh lộ 956 hơn 30km, hướng về cửa khẩu Khánh Bình là đến Búng Bình Thiên, một địa danh của huyện An Phú. Đây là một hồ nước ngọt tự nhiên mênh mông xanh mát trong khi nước của những kinh-rạch-sông-hồ quanh vùng Búng Bình Thiên vẫn đục. Hồ nằm cặp sông Bình Ghi-một nhánh của sông Hậu nằm sát huyện Preythum của tỉnh Kandal, Campuchia-có khả năng thu hút nhiều khách du lịch.

Tương truyền, cách đây trên 200 năm, một nhánh quân Tây Sơn đã chọn vùng này làm căn cứ địa. Thời đó, khu này khô khốc, gây khó khăn trong sinh hoạt cho nghĩa quân. Một viên tướng thấy vậy đã van vái, rút gươm đâm xuống lòng đất trũng, cầu thủy dâng lên. Lạ thay, khi lưỡi gươm vừa động thổ thì có một dòng nước trắng xanh cứ trào tuôn mãi, ngập cả những bờ đất quanh vùng này, biến vùng trũng nứt nẻ thành một hồ nước rộng lớn, bao la. Theo lý giải của cư dân bản địa, tiếng Búng có nghĩa là hồ hay đầm; nước từ dưới hồ dâng lên tự nhiên phẳng lặng, yên ắng nên gọi là Bình, còn Thiên nghĩa là Trời. Từ đó, cư dân vùng này cứ gọi hồ này là Búng Bình Thiên-Thiên Hồ hay Hồ Trời cho đến ngày nay.

Hồ nằm giữa 3 xã Khánh Bình; Khánh An; Nhơn Hội của huyện An Phú. Mùa khô hạn, diện tích hồ còn khoảng 300ha do nước hạ xuống (từ lâu không bao giờ cạn nước dù thời điểm oi bức nhất). Mùa nước nổi nước dâng lên làm mặt hồ rộng khoảng 900ha. Có thể nói rằng, đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Tây. Hồ hiện nay cung cấp lượng nước ngọt rất lớn quanh năm cho cư dân cả vùng và cũng là hồ có nhiều cá đồng bậc nhất vùng biên giới. Độ sâu trung bình của hồ khoảng 4 mét và có nhiều cá nên nhân dân sống quanh hồ giăng lưới, chài lưới khai thác lượng thủy sản nước ngọt tự nhiên nơi đây. Cảnh quan hồ thật khoáng đãng, gió lộng tứ bề. Khi mùa nước nổi đến, nhà sàn của một bộ phận cư dân sống ven hồ núp dưới những rặng cây xanh nhưng xung quanh ngập nước, tựa như những chấm phá cỏ - cây - hoa - lá được thêu trên nền trắng xanh thơ mộng của bức tranh tự nhiên vậy! Có dịp đến đây, chúng tôi đã ngao du quanh hồ bằng thuyền, thưởng thức các món ăn dân dã như chuột nướng; lẩu mắm nấu với cá rô đồng chấm với bông súng, bông điên điển; chả cá linh hay cá linh non kho với trái me non... thật ngon bá cháy! Ban đêm, chúng tôi ngủ tại nhà (homestay) của người đồng bào dân tộc Chăm An Phú với cảm giác mơ màng; lâng lâng...

Đánh thức tiềm năng!

Theo UBND huyện An Phú, hiện nay, huyện đang mời gọi đầu tư phát triển điểm du lịch về Búng Bình Thiên. Nơi đây là một địa điểm đã được xác định trong quy hoạch chung khu du lịch phục vụ nhu cầu bảo tồn văn hóa nghỉ ngơi, giải trí cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nằm trong tuyến du lịch thuộc khu vực kinh tế và cửa khẩu Khánh Bình của huyện An Phú. Quanh Búng Bình Thiên có khoảng 400 hộ dân chuyên sống bằng nghề nông. Khu này có phía Bắc giáp khu dân cư sinh thái phục vụ du lịch; phía Nam giáp hồ Búng Bình Thiên lớn, tổng diện tích quy hoạch 139ha (tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng). Dự kiến du khách đến khoảng 20.000 người/năm. Tỉnh lộ 956 từ xã Đa Phước đi Khánh An đến cửa khẩu Khánh Bình sang Campuchia đường nhựa; tỉnh lộ 957 đến cửa khẩu Khánh Bình nối tỉnh lộ 956 là trục đường chính nối liền khu du lịch Búng Bình Thiên. Hệ thống giao thông thủy bộ khá thuận tiện, sông Hậu, sông Bình Ghi, tạo nên Búng Bình Thiên một hồ chứa nước và nền văn hóa người Chăm có nhiều lễ hội, thu hút nhiều du khách hàng năm.

Theo lời bà Phan Thị Thúy Truyển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại-Du lịch - Đầu tư tỉnh An Giang thì Búng Bình Thiên có nhiều thú tiêu khiển mùa nước nổi độc đáo với những món ăn sông nước cùng với nếp sinh hoạt văn hóa phong phú của 4 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm với các lễ hội văn hóa đặc biệt ở đây chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách. Trong tương lai gần, sau khi khu du lịch Búng Bình Thiên chính thức vào khai thác, sẽ tạo thêm một diện mạo mới cho du lịch An Giang. Văn minh lúa nước và phong cách nông dân Búng Bình Thiên là những giá trị văn hóa nếu được khai thác đúng đắn sẽ là những sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách khắp nơi. Gắn với du lịch mùa nước nổi, Búng Bình Thiên sẽ góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-văn hóa vùng biên viễn này.
Thanh Tuấn (Theo Báo Cần Thơ)

1 comments:

Êm ả búng Bình Thiên

Vừa ra khỏi con đường đất đã thấy cây cầu nhỏ, đúng như lời dân địa phương chỉ “Đứng trên cầu sẽ thấy rõ búng Bình Thiên”. Một hồ nước xanh lơ, trong vắt trải dài về phía xa bỗng hiện ra như trong một giấc mơ. Không hề thấy dòng nước chảy, không nghe một tiếng động. Dường như thời gian đã ngừng lại chốn này - búng Bình Thiên!
Diệu kì thay hồ Nước Trời! Tương truyền hơn hai trăm năm trước, một vị tướng Tây Sơn dẫn quân qua đây vào mùa khô hạn, để thỏa mãn cơn khát của binh sĩ, vị tướng đã làm lễ cầu khấn trước khi đâm mũi gươm xuống đất và một dòng nước đã phun lên, phun lên mãi thành một hồ nước trong vắt. Cái tên búng Bình Thiên hay hồ Nước Trời có từ đó.
Búng Bình Thiên nằm giữa ba xã biên giới gồm Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội  thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang. Nơi đây mùa khô có diện tích 300 hecta và mùa nước nổi lên đến 1.000 hecta. Nước sâu khoảng 4 mét, quanh năm trong xanh dù tiếp giáp với sông Bình Di đục ngầu phù sa. Một điều kì lạ cho đến nay chưa thể giải thích là nước ở đây chỉ dâng lên, hạ xuống theo mùa khô, mùa nước chứ không hề chảy ra chảy vào theo dòng chảy của sông Bình Di. “Hồ Nước Trời” vì vậy càng trở nên kì ảo, lung linh trong mắt cư dân xứ này.
Chài lưới trên búng Bình Thiên. Ảnh: Chi Lan
Mùa nước nổi, về các xã đầu nguồn Khánh An, Khánh Bình coi nước, ăn lẩu cá linh non nhúng bông điên điển, thưởng thức những thú vị của một năm “lũ đẹp” như cách nói của người dân địa phương, tôi đã có dịp đi ngang qua búng Bình Thiên trên đường từ Khánh An về lại Châu Đốc.
Đứng trên cây cầu nhỏ, từ trên cao hướng về bên trái có thể thấy rõ hai màu nước khác hẳn. Một màu nước trong xanh bên trong hồ và màu phù sa đục ngầu của nước sông Bình Di ngoài kia. Mặt hồ thật yên ả, chỉ gợn sóng lăn tăn theo từng cơn gió nhẹ. Một chiếc ghe nhỏ với một người đàn ông lặng lẽ tung từng mẻ lưới chài thật tròn trên mặt nước như điểm xuyết nét thơ mộng, yên bình cho nơi này. Những căn nhà nhỏ nổi lên giữa trời nước xanh biếc càng khiến lòng người chìm vào cõi mộng. Quả thật là nhìn kỹ thế nào cũng không thấy dòng chảy của hồ dù nước mùa này đã bắt đầu tràn lên mênh mông.
Chúng tôi chạy xe chầm chậm dài theo hồ nước tưởng như đi vào một cõi lặng của một thuở xa xưa. Bởi dọc con đường nhỏ cặp theo búng Bình Thiên đời sống của làng Chăm bên thánh đường Hồi giáo bao đời nay vẫn hiền hòa, lặng lẽ như mặt hồ nơi đây. Những căn nhà sàn xinh xắn cặp mé lộ, mấy con bò đang đứng nhai cỏ chậm rãi bên kia đường, hai cô gái Chăm, khăn truyền thống vắt ngang vai che gần hết khuôn mặt đang lúi húi giặt đồ dưới bến nước, năn nỉ cách gì cũng không chịu ngẩng mặt lên cho chụp kiểu hình, gần đó, mấy chiếc xuồng nằm gối bãi im lìm …
Thiếu nữ Chăm giặt đồ bên bờ búng Bình Thiên. Ảnh: Cúc Tần
Và, xa xa, trên mặt búng mấy căn nhà bè nhỏ gọn, xinh xắn nổi lên dài theo hồ như một nét độc đáo của hồ Nước Trời. Trong khi các bạn mải mê chụp ảnh trước cảnh đẹp lạ lùng, tôi cứ đứng đó nhìn thật lâu, thật lâu để ghi khắc bức tranh đẹp như một ký họa của một họa sĩ tài hoa hiện ra trước mắt, hồn say đắm lâng lâng trước món quà kì ảo của thiên nhiên này.
Chưa hết, đi thêm vài bước, lại một hình ảnh thú vị hiện ra: một chàng trai Chăm đang tẩn mẩn tắm bò dưới bến, hai chú bò trắng khoái trá lim dim trong từng lượt chải trên làn lông láng mượt. Cạnh đó, một chú trâu đang lặn hụp trong bùn, nghếch cái mũi to lên khỏi mặt nước ung dung, tự tại như không thèm biết gì đến mấy chiếc máy ảnh đang chớp liên tục trên này.
Theo các tài liệu, búng Bình Thiên là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất vùng Tây Nam bộ, cung cấp nước cho huyện An Phú và các vùng phụ cận. Đây cũng là một “túi cá đồng” lớn với nhiều thứ cá sông ngon ngọt. Không biết  cách gọi “búng” xuất phát từ đâu, tìm trong “Tự vị tiếng nói miền Nam” của nhà khảo cổ Vương Hồng Sển chỉ có từ “bưng” của Khmer: “vùng đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ”, có thể do cách đọc trại ra mà thành “búng” chăng? Bởi quả thật cái hồ Nước Trời mà tôi đang ngắm đây chính là di tích của một vùng đầm lầy, nhiều ao trũng xa xưa.
Ghe thuyền của người Chăm trong búng Bình Thiên. Ảnh: Cúc Tần
Nghe nói đã có dự án cả ngàn tỉ đồng nhằm biến nơi này thành một khu di lịch sinh thái, bảo tồn văn hóa và nghỉ ngơi giải trí nằm trong tuyến kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên kết hợp các điểm du lịch hành hương như miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, vùng Bảy Núi…
Những điều nghe thấy khiến tôi càng muốn đứng lại đây, nhìn cho kỹ, cảm nhận cho sâu vẻ đẹp nguyên sơ bình dị chốn này trước khi nó bị “biến dạng”, một ngày không xa.
Mùa nước nổi đang tràn về trên các xã biên giới huyện An Phú. Mặt nước của hồ Nước Trời cũng đang từ từ dâng lên, tràn trề mênh mang. Trong tôi ấn tượng về búng Bình Thiên vẫn là một vẻ đẹp hoang sơ, lặng lẽ đến nao lòng. (TBKTSG Online)

0 comments:

Sắc màu Búng Bình Thiên

“Búng Bình Thiên” - giọng miền Tây nhẹ như gió thoảng. Tôi thầm nghĩ chắc là một làng nghề làm bún giống như miến Cự Đà hay bánh đa Bắc Giang ở miền Bắc. Nhưng tôi đã nhầm...
Sắc màu bên hồ nước trời - Ảnh: Nguyên
Rời Châu Đốc, vượt qua cầu Cồn Tiên vào quốc lộ 956, xe chúng tôi hướng thẳng đến thị trấn An Phú. Những dải cây mướt xanh bên sông nhẹ trôi qua cửa kính. Khung cảnh quá đỗi yên bình. Thi thoảng xe lại băng qua xóm nhỏ, chợ nhỏ, bến sông nhỏ ven đường với những con người giản dị.
Búng (*) Bình Thiên đây rồi. Nếu tối qua không cẩn thận mở “Google” trên điện thoại di động, chắc lúc này đây sẽ không biết được vùng đất này ẩn chứa biết bao điều lạ. Xa xa, dưới lớp bèo xanh xanh kia là hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây, nước trong vắt không bao giờ cạn, gắn liền với một truyền thuyết. Theo đó, dưới thời Tây Sơn, tướng Võ Văn Vương đã chọn nơi này đóng trại luyện binh, lập ấp.
Đất ngày ấy khô cằn nên ông bèn lập đàn cầu đảo. Khi lưỡi gươm vừa cắm xuống, một dòng nước trong trào lên tắm mát cả vùng khô hạn. Búng Bình Thiên - hồ nước trời - xanh ngắt có từ đây.
Nép bên bờ hồ, sau những rặng cây là một xóm nhỏ với những nhà sàn của người Chăm Đa Phước, xếp hàng quanh thánh đường Hồi giáo An Phú. Bất chợt từ bến sông ùa lên những sắc đỏ, sắc vàng... của một đám trẻ nhẹ nhàng vượt qua đường vào lớp học, váy áo chung chiêng.
Được mời vào lớp học trong không khí trang nghiêm, chúng tôi như bước vào một không gian rất khác. Có điều gì giống như trong cổ tích, như trong câu chuyện thần bí xa xôi ở phương trời nào.
Trong lớp, đám trẻ ngồi bệt trên sàn gỗ, con gái đông hơn tụ vào một góc, mấy cậu nhóc bé con ngồi gần cửa ra vào. Trang phục của các em giống như một hộp màu rực rỡ, làm tan đi không khí trầm mặc, khép kín của lớp học trong thánh đường.
Trang phục của người Chăm Đa Phước ở An Phú rất mềm mại và bắt mắt, từ màu sắc đến đường nét, họa tiết. Con gái thường mặc xà rông hay váy áo cách điệu cùng tông màu, may bằng vải lụa hoặc vải muslin in hoa, màu sắc tươi tắn, khăn trùm quanh đầu phủ xuống kín vai, thường có hoa văn đính hạt, được thêu khá cầu kỳ. Con trai cũng mặc xà rông, mũ vải tròn đội đầu với các đường diềm trang trí cũng cầu kỳ không kém.
Cô giáo đứng lớp trùm khăn đen che gần kín mặt, chỉ lộ ra đôi mắt đen láy với vài cọng tóc lòa xòa. Dáng gầy mảnh nổi bật trên nền ô cửa sổ, trên bức tường gỗ ghép thưa, ánh sáng đan xen. Một vẻ đẹp huyền bí làm lay động những tay máy nghiệp dư chúng tôi.
Cô giáo lặng lẽ chỉ cách học kinh Koran cho từng học sinh trong lớp, chăm chú và tận tụy. Giờ học với những tiếng thơ đồng thanh lảnh lót cứ dần trôi. Đến giờ ra chơi, bọn nhóc ùa xuống sân tán chuyện, trêu chọc nhau, vui vẻ tưng bừng. Có tốp băng qua đường sang bến nước rửa tay chân, tiếng cười lanh lảnh vang cả góc hồ nước trong.
Cuộc sống sao mà giản dị, mộc mạc và bình yên.
Tôi đã lạc bước ở Búng Bình Thiên một ngày như thế.
Lớp học trong thánh đường Hồi giáo - Ảnh: Nguyên
Giờ ra chơi - Ảnh: Nguyên
Vẻ đẹp Chăm - Ảnh: Nguyên
Về nhà sau giờ học - Ảnh: Nguyên
NGUYỄN VIỆT CƯỜNG
__________
(*) Búng: hiện chưa có nhà chuyên môn nào giải thích. Trong sách Tự vị tiếng nói miền Nam của tác giả Vương Hồng Sển có từ “bưng”. Từ này gốc Khmer (trapéang) lần hồi được Việt hóa (bưng) và có nghĩa là “vùng đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm ở nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ”... (Nhà xuất bản TP.HCM, tr. 78). Vậy “búng” ở đây có phải là do từ “bưng” nói trại ra hay không cần phải truy cứu thêm. (Wikipedia).

0 comments:

Làng Chăm bên Búng Bình Thiên

Nằm giữa 3 xã biên giới Khánh Bình, Khánh An, Nhơn Hội thuộc huyện An Phú, An Giang, "Hồ Nước Trời" bốn mùa trong xanh lặng lờ mặc dù thông nước với con sông Bình Di cuồn cuộn đục ngầu nước lũ qua cửa hồ rộng hàng trăm mét.
Dân quanh vùng cho đây là một điều bí ẩn không giải thích được.
Truyền thuyết kể rằng cách đây khoảng 200 năm có một mùa khô hạn kéo dài, để tìm nước dùng cho binh sĩ, một vị tướng nhà Tây Sơn đã dâng lễ vật cúng trời Phật trước khi rút gươm đâm xuống đất. Lạ thay, một dòng nước trào lên đọng thành một hồ nước trong vắt. Từ đó người dân quanh vùng đặt tên cho hồ nước là Búng Bình Thiên, có nghĩa là “Hồ Nước Trời”.
Búng Bình Thiên nhìn từ nơi giao nhau với sông Bình Di
Ngoại trừ ngày Lễ hội văn hóa mùa nước nổi lần 2 được tổ chức đầu tháng chín vừa qua, quanh năm hồ nước rộng 200ha - một trong những hồ nước ngọt rộng nhất miền Tây này  bình yên hoang sơ đến nao lòng.
Những người yêu nét nguyên thủy của thiên nhiên nên tranh thủ đến đây, bởi đang có dự án đầu tư 1.000 tỉ đồng xây dựng khu du lịch Búng Bình Thiên. 
Rời trung tâm thị xã Châu Đốc, theo tỉnh lộ 956, qua Cồn Tiên có xóm Chăm Đa Phước bình yên, qua những cánh đồng nước mênh mông. Đến km23+100 là ngã tư Quốc Thái, quẹo trái đi khoảng 2,5km là đến Búng Bình Thiên. Bạn có thể đón xe buýt ở bến xe trung tâm Châu Đốc đến ngã tư Quốc Thái, giá vé  12.000đ.
Thời điểm này đi quanh bờ Búng Bình Thiên bạn sẽ được “rửa mắt” cảnh đánh bắt cá đặc trưng mùa nước nổi của bốn dân tộc Kinh, Hoa, Khơme, Chăm sống ven hồ và những ruộng sen nhiều hoa, những lùm điên điển vàng rực bông.
Trong số xóm làng bốn dân tộc sống quanh Búng Bình Thiên, làng Chăm có nét riêng nhất bởi đặc điểm sống rất cộng đồng không lẫn lộn với những người dân tộc khác.
Đi thăm làng Chăm đã hình thành hơn 100 năm với hàng trăm nhà sàn san sát nhau quanh một thánh đường, bạn dễ gặp những hình ảnh êm đềm: những cụ già đi lễ, những cô gái Chăm trong trang phục tuyền thống, đầu trùm kín khăn đi trên đường làng, trẻ thơ đùa nghịch dưới bóng nhà sàn…
Nếu có tài “ngoại giao” bạn nên xin ngủ đêm ở nhà người Chăm nào đó để tìm hiểu cách sống của người Chăm theo đạo Hồi thì chuyến đi càng thú vị. Càng tuyệt vời hơn nếu được gia chủ đãi bạn món cà ri và món “tung lò mò” (lạp xưởng bò) truyền thống.
Hàng trăm nhà sàn người Chăm trên bờ Búng Bình Thiên
Bạn cũng đừng quên khám phá những quán và món ăn rất “Búng Bình Thiên”.
Dọc làng Chăm có gần chục quán “cóc sàn” (quán như nhà sàn người Chăm thu nhỏ) khá ngộ. Chủ quán là những người nông dân, mùa lúa đi làm đồng, mùa nước nổi dọn ra bán. Vì vậy, món ăn quá mộc mạc và “siêu” rẻ nhưng rất ngon. Quán bún nước lèo cá lóc bán buổi sáng ở xóm Chăm chỉ 2.000đ/tô. Quán bánh khọt của bà Hai Quẹo, một đĩa sáu cái chỉ 1.000đ có kèm rau sống. Bánh xèo “nhụy” bông điên điển của cô Bảy bán 1.000đ/đĩa hai cái “chà bá”. Tô bún nước lèo của chị Năm giá 1.500đ ăn với rau muống ruộng dòn ngọt hái bên ruộng Miên….
Những cô gái Chăm xinh đẹp bên bờ Búng Bình Thiên
Điều thú vị khi đến Búng Bình Thiên xem như bạn đã đứng trên “đầu con lũ”. Nếu khám phá “Hồ Nước Trời” và làng Chăm mà vẫn còn thời gian những ngày nghỉ cuối tuần, bạn có thể tham quan Giồng Cây Da có cây da to 18 người ôm ở ấp 1, xã Vĩnh Khánh cách Búng Bình Thiên khoảng 7km; lang thang thị trấn biên giới Long Bình cách Giồng Cây Da vài kilômet. (TTO)
Mời các bạn xem tiếp các hình ảnh sau:

Posted Image
Quăng chài trên búng Bình Thiên.

Posted Image
Con sông Bình Di đỏ đục phù sa dẫn nước vào búng Bình Thiên.

Posted Image
Mớ cá nước ngọt vừa đánh bắt được ở búng đem bán cho dân trong làng.

Posted Image
Cả nhà cùng kiểm tra tay lưới trước khi đi đánh cá.

Posted Image
Lúc rảnh rỗi bà con còn có nghề đan lát.

Posted Image
Một sạp trái cây nhỏ cung cấp hàng cho bà con.

Posted Image
Thu hoạch ngô.

Posted Image
Trẻ em người Chăm trên đường đến trường.

Posted Image
Em bé Chăm với trang phục truyền thống lúc đến trường.

Posted Image
Thi bơi trên búng Bình Thiên.

Posted Image
Xóm người Chăm ở búng Bình Thiên.

1 comments:

Hình ảnh Búng Bình Thiên































































































0 comments: