Êm ả búng Bình Thiên
Vừa ra khỏi con đường đất đã thấy cây cầu nhỏ, đúng như lời dân địa phương chỉ “Đứng trên cầu sẽ thấy rõ búng Bình Thiên”. Một hồ nước xanh lơ, trong vắt trải dài về phía xa bỗng hiện ra như trong một giấc mơ. Không hề thấy dòng nước chảy, không nghe một tiếng động. Dường như thời gian đã ngừng lại chốn này - búng Bình Thiên!
Diệu kì thay hồ Nước Trời! Tương truyền hơn hai trăm năm trước, một vị tướng Tây Sơn dẫn quân qua đây vào mùa khô hạn, để thỏa mãn cơn khát của binh sĩ, vị tướng đã làm lễ cầu khấn trước khi đâm mũi gươm xuống đất và một dòng nước đã phun lên, phun lên mãi thành một hồ nước trong vắt. Cái tên búng Bình Thiên hay hồ Nước Trời có từ đó.Búng Bình Thiên nằm giữa ba xã biên giới gồm Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang. Nơi đây mùa khô có diện tích 300 hecta và mùa nước nổi lên đến 1.000 hecta. Nước sâu khoảng 4 mét, quanh năm trong xanh dù tiếp giáp với sông Bình Di đục ngầu phù sa. Một điều kì lạ cho đến nay chưa thể giải thích là nước ở đây chỉ dâng lên, hạ xuống theo mùa khô, mùa nước chứ không hề chảy ra chảy vào theo dòng chảy của sông Bình Di. “Hồ Nước Trời” vì vậy càng trở nên kì ảo, lung linh trong mắt cư dân xứ này.
Chài lưới trên búng Bình Thiên. Ảnh: Chi Lan |
Đứng trên cây cầu nhỏ, từ trên cao hướng về bên trái có thể thấy rõ hai màu nước khác hẳn. Một màu nước trong xanh bên trong hồ và màu phù sa đục ngầu của nước sông Bình Di ngoài kia. Mặt hồ thật yên ả, chỉ gợn sóng lăn tăn theo từng cơn gió nhẹ. Một chiếc ghe nhỏ với một người đàn ông lặng lẽ tung từng mẻ lưới chài thật tròn trên mặt nước như điểm xuyết nét thơ mộng, yên bình cho nơi này. Những căn nhà nhỏ nổi lên giữa trời nước xanh biếc càng khiến lòng người chìm vào cõi mộng. Quả thật là nhìn kỹ thế nào cũng không thấy dòng chảy của hồ dù nước mùa này đã bắt đầu tràn lên mênh mông.
Chúng tôi chạy xe chầm chậm dài theo hồ nước tưởng như đi vào một cõi lặng của một thuở xa xưa. Bởi dọc con đường nhỏ cặp theo búng Bình Thiên đời sống của làng Chăm bên thánh đường Hồi giáo bao đời nay vẫn hiền hòa, lặng lẽ như mặt hồ nơi đây. Những căn nhà sàn xinh xắn cặp mé lộ, mấy con bò đang đứng nhai cỏ chậm rãi bên kia đường, hai cô gái Chăm, khăn truyền thống vắt ngang vai che gần hết khuôn mặt đang lúi húi giặt đồ dưới bến nước, năn nỉ cách gì cũng không chịu ngẩng mặt lên cho chụp kiểu hình, gần đó, mấy chiếc xuồng nằm gối bãi im lìm …
Thiếu nữ Chăm giặt đồ bên bờ búng Bình Thiên. Ảnh: Cúc Tần |
Chưa hết, đi thêm vài bước, lại một hình ảnh thú vị hiện ra: một chàng trai Chăm đang tẩn mẩn tắm bò dưới bến, hai chú bò trắng khoái trá lim dim trong từng lượt chải trên làn lông láng mượt. Cạnh đó, một chú trâu đang lặn hụp trong bùn, nghếch cái mũi to lên khỏi mặt nước ung dung, tự tại như không thèm biết gì đến mấy chiếc máy ảnh đang chớp liên tục trên này.
Theo các tài liệu, búng Bình Thiên là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất vùng Tây Nam bộ, cung cấp nước cho huyện An Phú và các vùng phụ cận. Đây cũng là một “túi cá đồng” lớn với nhiều thứ cá sông ngon ngọt. Không biết cách gọi “búng” xuất phát từ đâu, tìm trong “Tự vị tiếng nói miền Nam” của nhà khảo cổ Vương Hồng Sển chỉ có từ “bưng” của Khmer: “vùng đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ”, có thể do cách đọc trại ra mà thành “búng” chăng? Bởi quả thật cái hồ Nước Trời mà tôi đang ngắm đây chính là di tích của một vùng đầm lầy, nhiều ao trũng xa xưa.
Ghe thuyền của người Chăm trong búng Bình Thiên. Ảnh: Cúc Tần |
Những điều nghe thấy khiến tôi càng muốn đứng lại đây, nhìn cho kỹ, cảm nhận cho sâu vẻ đẹp nguyên sơ bình dị chốn này trước khi nó bị “biến dạng”, một ngày không xa.
Mùa nước nổi đang tràn về trên các xã biên giới huyện An Phú. Mặt nước của hồ Nước Trời cũng đang từ từ dâng lên, tràn trề mênh mang. Trong tôi ấn tượng về búng Bình Thiên vẫn là một vẻ đẹp hoang sơ, lặng lẽ đến nao lòng. (TBKTSG Online)
0 comments: