Sắc màu Búng Bình Thiên

“Búng Bình Thiên” - giọng miền Tây nhẹ như gió thoảng. Tôi thầm nghĩ chắc là một làng nghề làm bún giống như miến Cự Đà hay bánh đa Bắc Giang ở miền Bắc. Nhưng tôi đã nhầm...
Sắc màu bên hồ nước trời - Ảnh: Nguyên
Rời Châu Đốc, vượt qua cầu Cồn Tiên vào quốc lộ 956, xe chúng tôi hướng thẳng đến thị trấn An Phú. Những dải cây mướt xanh bên sông nhẹ trôi qua cửa kính. Khung cảnh quá đỗi yên bình. Thi thoảng xe lại băng qua xóm nhỏ, chợ nhỏ, bến sông nhỏ ven đường với những con người giản dị.
Búng (*) Bình Thiên đây rồi. Nếu tối qua không cẩn thận mở “Google” trên điện thoại di động, chắc lúc này đây sẽ không biết được vùng đất này ẩn chứa biết bao điều lạ. Xa xa, dưới lớp bèo xanh xanh kia là hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây, nước trong vắt không bao giờ cạn, gắn liền với một truyền thuyết. Theo đó, dưới thời Tây Sơn, tướng Võ Văn Vương đã chọn nơi này đóng trại luyện binh, lập ấp.
Đất ngày ấy khô cằn nên ông bèn lập đàn cầu đảo. Khi lưỡi gươm vừa cắm xuống, một dòng nước trong trào lên tắm mát cả vùng khô hạn. Búng Bình Thiên - hồ nước trời - xanh ngắt có từ đây.
Nép bên bờ hồ, sau những rặng cây là một xóm nhỏ với những nhà sàn của người Chăm Đa Phước, xếp hàng quanh thánh đường Hồi giáo An Phú. Bất chợt từ bến sông ùa lên những sắc đỏ, sắc vàng... của một đám trẻ nhẹ nhàng vượt qua đường vào lớp học, váy áo chung chiêng.
Được mời vào lớp học trong không khí trang nghiêm, chúng tôi như bước vào một không gian rất khác. Có điều gì giống như trong cổ tích, như trong câu chuyện thần bí xa xôi ở phương trời nào.
Trong lớp, đám trẻ ngồi bệt trên sàn gỗ, con gái đông hơn tụ vào một góc, mấy cậu nhóc bé con ngồi gần cửa ra vào. Trang phục của các em giống như một hộp màu rực rỡ, làm tan đi không khí trầm mặc, khép kín của lớp học trong thánh đường.
Trang phục của người Chăm Đa Phước ở An Phú rất mềm mại và bắt mắt, từ màu sắc đến đường nét, họa tiết. Con gái thường mặc xà rông hay váy áo cách điệu cùng tông màu, may bằng vải lụa hoặc vải muslin in hoa, màu sắc tươi tắn, khăn trùm quanh đầu phủ xuống kín vai, thường có hoa văn đính hạt, được thêu khá cầu kỳ. Con trai cũng mặc xà rông, mũ vải tròn đội đầu với các đường diềm trang trí cũng cầu kỳ không kém.
Cô giáo đứng lớp trùm khăn đen che gần kín mặt, chỉ lộ ra đôi mắt đen láy với vài cọng tóc lòa xòa. Dáng gầy mảnh nổi bật trên nền ô cửa sổ, trên bức tường gỗ ghép thưa, ánh sáng đan xen. Một vẻ đẹp huyền bí làm lay động những tay máy nghiệp dư chúng tôi.
Cô giáo lặng lẽ chỉ cách học kinh Koran cho từng học sinh trong lớp, chăm chú và tận tụy. Giờ học với những tiếng thơ đồng thanh lảnh lót cứ dần trôi. Đến giờ ra chơi, bọn nhóc ùa xuống sân tán chuyện, trêu chọc nhau, vui vẻ tưng bừng. Có tốp băng qua đường sang bến nước rửa tay chân, tiếng cười lanh lảnh vang cả góc hồ nước trong.
Cuộc sống sao mà giản dị, mộc mạc và bình yên.
Tôi đã lạc bước ở Búng Bình Thiên một ngày như thế.
Lớp học trong thánh đường Hồi giáo - Ảnh: Nguyên
Giờ ra chơi - Ảnh: Nguyên
Vẻ đẹp Chăm - Ảnh: Nguyên
Về nhà sau giờ học - Ảnh: Nguyên
NGUYỄN VIỆT CƯỜNG
__________
(*) Búng: hiện chưa có nhà chuyên môn nào giải thích. Trong sách Tự vị tiếng nói miền Nam của tác giả Vương Hồng Sển có từ “bưng”. Từ này gốc Khmer (trapéang) lần hồi được Việt hóa (bưng) và có nghĩa là “vùng đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm ở nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ”... (Nhà xuất bản TP.HCM, tr. 78). Vậy “búng” ở đây có phải là do từ “bưng” nói trại ra hay không cần phải truy cứu thêm. (Wikipedia).

0 comments: